Một số kinh nghiệm chụp ảnh bằng điện thoại di động

21/05/2016 | 5302 |
0 Đánh giá

Hiện nay, trừ khi có thời gian hoặc cần cho các mục đích thương mại, chuyên nghiệp và in tráng, thì phần lớn chúng ta thường chia sẻ bằng các ảnh chụp từ điện thoại. Hãy cùng VnReview tìm hiểu thêm về chụp ảnh bằng điện thoại

Hiện nay, trừ khi có thời gian hoặc cần cho các mục đích thương mại, chuyên nghiệp và in tráng, thì phần lớn chúng ta thường chia sẻ bằng các ảnh chụp từ điện thoại. Hãy cùng VnReview tìm hiểu thêm về chụp ảnh bằng điện thoại, để có những bức hình đẹp và thú vị.

Khi bạn chụp hình bằng điện thoại, sẽ có rất nhiều yếu điểm cố hữu như khả năng lấy nét, khả năng khử nhiễu (noise), khả năng chống rung hay thu sáng... Tất cả đều do đặc điểm chung của camera được trang bị trong điện loại là sử dụng cảm biến nhỏ, kém chất lượng, cũng như các yếu tố khách quan khác.

 

Hình chụp bằng điện thoại Motorola ZN5

Trong bài này, tất cả hình ảnh trong bài này (ngoại trừ hình kỹ thuật) đều sử dụng hình tôi tự chụp bằng những dòng điện thoại cũ, có giá trên dưới 1 triệu đồng, để minh chứng cho việc điện thoại chỉ là một phần trong nhiếp ảnh di động. Quan trọng là nắm bắt thời chụp (khoảnh khắc), bố cục, xử lý hậu kỳ và cả may mắn nữa. Tất nhiên, nếu bạn có các smartphone hoặc các điện thoại chụp ảnh tốt hơn thì càng tốt.

Bài viết này không có tham vọng biến chiếc điện thoại thành chiếc máy ảnh pro, mà chỉ đơn giản là sẽ hướng dẫn bạn cách tối ưu những hình chụp từ điện thoại mà bạn đang có, nói cách khác là cách chọn bố cục và xử lý hậu kỳ để khắc phục những nhược điểm cố hữu của điện thoại. Để chụp tốt nhất với chiếc điện thoại bạn đang sở hữu thì cần những gì? Dưới đây tôi xin chia sẻ những kinh nghiệm có được trong quá trình sử dụng và chụp ảnh bằng điện thoại.

Thiết lập cơ bản

Trước hết, nếu thích chụp ảnh bằng điện thoại thì bạn nên ưu tiên chọn mua dòng điện thoại chuyên về chụp hình, bởi các dòng này sẽ ưu tiên phát triển và tối ưu camera hơn các dòng phổ thông hoặc giải trí khác. Trong số các dòng điện thoại chuyên chụp hình bạn hướng đến, nên ưu tiên chọn dòng có số Megapixel cao (để tiện xử lý hậu kỳ, crop lại bố cục) nếu các thông số khác tương đương, tuy nhiên không có nghĩa là cứ Megapixel cao thì chụp ảnh đẹp hơn, phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa.

 

Tiếp theo, khi chọn nên chọn loại điện thoại có màn hình tốt, nghĩa là hiển thị màu sắc trung thực, hiển thị rõ dưới ánh sáng mặt trời (để chụp ngoài trời) và màn hình có kích thước càng lớn càng tốt (để khi chụp dễ xem trước). Thường các dòng điện thoại chuyên chụp ảnh sẽ có phím vật lý (phím cứng) dành riêng cho việc chụp ảnh và đèn flash Xenon. Nhưng nếu điện thoại bạn không có tính năng này thì khi chụp cố gắng hạn chế rung tay.

Khi chụp bằng điện thoại, kể cả những dòng cao cấp có chế độ ổn định hình quang học như Nokia Lumia 1020 (sắp ra), HTC One,... thì bạn vẫn nên cố gắng hạn chế rung/giật khi chụp. Có thể kê lên điểm tựa nào đó hoặc nín thở và giữ tay ít rung nhất khi bấm máy, tránh bị nhòe hình. Ngón tay cầm máy tránh để gần đèn flash hoặc lens, vì dễ gây ra hiện tượng quang sai hoặc bị phản xạ màu da tay vào hình khi flash phát sáng.

Ngoài ra, khi thiết lập điện thoại cần chú ý các thông số ở mức tối ưu: Chỉ số Megapixel (MP) càng cao càng tốt, nhưng với những dòng smartphone có kích thước ảnh khủng như 13MP hoặc 41MP thì chỉ nên chọn ở mức 8MP hoặc 16MP tương ứng, trừ khi cần rửa ảnh hoặc sử dụng ở độ phân giải cao. Bởi khi đặt độ phân giải cao thì tốc độ chụp và lưu ảnh cũng bị chậm lại, ảnh hưởng tới thời chụp, mất thời gian hơn để chuyển qua chụp bức ảnh tiếp theo.

Độ nét ảnh nên để ở chế độ cao nhất (thường ghi là fine hoặc super-fine) để lấy chi tiết ảnh tối đa. Nếu điện thoại bạn hỗ trợ nhiều chế độ chụp thì nên chọn chế độ chụp phù hợp với môi trường và hoàn cảnh cụ thể (chụp người, chụp phong cảnh, chụp chân dung, chụp đêm, chụp ngoài trời,…)

Nếu đối tượng chụp ở gần, 10cm-50cm nên chọn chế độ macro, tùy khả năng lấy nét điện thoại của bạn hỗ trợ macro ở cự li nào. Nếu ở xa nên chọn chế độ phong cảnh hoặc các chế độ khác. 

 

Chụp bằng điện thoại Sony Ericsson C905, sử dụng ánh sáng tự nhiên, nhưng trước khi chụp đã lia ống kính tới vùng tối nhất để đo sáng rồi mới hướng vào vật thể (con cún) và bấm chụp.

Tư liệu tham khảo

Trước hết, cần tìm hiểu và tham khảo thêm các kiến thức về nhiếp ảnh, về mỹ thuật. Bởi nắm vững nó thì mới có khả năng xử lý bố cục/ánh sáng/các thiết lập kỹ thuật (nếu có) khi chụp ảnh. Các bạn có thể tham khảo thêm về các thông số khi chụp ảnh 

Bạn nên tham khảo các chuyên trang về chụp ảnh như của diễn đàn SECafe của Sony  và kỹ thuậtMod, patch),  Motohack của Motorola, các diễn đàn điện thoại Nhật hoặc Esato… để tìm hiểu, trao đổi và học hỏi thêm kinh nghiệm.

Tham gia các hội nhiếp ảnh di động của các diễn đàn điện thoại hoặc nhiếp ảnh, tiện lợi nhất là các hội/nhóm nhiếp ảnh di động trên Facebook, để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh bằng điện thoại.

 

Chụp bằng điện thoại Sony Ericsson C901, ánh sáng tự nhiên ban ngày, thời điểm 10h sáng.

Mod

Mod là thuật ngữ chỉ để việc cải tiến, thêm bớt chức năng (modification) cho thiết bị thông qua phần cứng hoặc phần mềm, dưới đây là một số kỹ thuật mod cơ bản cho điện thoại:

Mod phần cứng

Như đã nói, điện thoại có sự hạn chế nhất định, do được lắp thêm lớp kính hoặc mica để chống bụi và bảo vệ camera ở lớp vỏ phía sau, nên khi chụp hay bị hiện tượng sương mù do có sự tán sắc ánh sáng qua lớp bảo vệ đó. Bạn sẽ nhận ra chất lượng ảnh chụp trong và hầu như ko có lớp "sương mù" sau khi tháo lớp bảo vệ này. Nhưng tôi không khuyến khích làm điều đó, vì làm vậy dễ bám bụi và hỏng camera.

 

Chụp ruột bút chì 0.5mm bằng điện thoại Sony Ericsson K810i (cảm biến 3.2MP), sử dụng len tự chế.

Để giảm/khử rung, người ta còn chế ra chân chụp hoặc giá đỡ cho điện thoại, ưu điểm của cách này là khi chụp các ảnh sẽ sắc nét hơn do có sự ổn định khi lấy nét và bắt hình. Ngoài ra, người ta còn chế thêm lens hoặc các phụ kiện khác, nhằm khắc phục yếu điểm và tăng cường thêm tính năng cho điện thoại.

 

Đặc biệt, người ta còn tự chế lens cho camera điện thoại từ những thấu kính sử dụng trong đầu đĩa DVD/CD hoặc trong các máy ảnh du lịch cỡ nhỏ, nhằm tăng cường khả năng xóa phông và lấy nét cho camera của điện thoại.

Tuy vậy, trừ khi cần thiết (như chụp đêm, chụp nghệ thuật hoặc chụp ảnh sản phẩm), còn lại tôi không đánh giá cao các giải pháp này. Bởi đặc điểm của điện thoại là  "cầm lên và chụp", mỹ thuật, đề cao tính tiện lợi, tự nhiên và năng động. Chưa kể các phụ kiện đó khá cồng kềnh, không tiện khi mang theo hàng ngày.

Mod phần mềm

Các dòng điện thoại như Nokia hoặc Samsung thì hầu hết không cho phép can thiệp nhiều về phần mềm ở firmware để tăng cường tính năng/chất lượng ảnh chụp, tất nhiên vẫn nên cập nhật các firmware mới nhất để cải thiện và sửa lỗi cơ bản.

 

Một số giao diện và tính năng mới xuất hiện trên giao diện chụp hình của điện thoại Sony Ericsson K810i sau khi mod và patch (OSD) bản Camdriver có tên là Camraider 6.6.4

Tuy nhiên, với một số dòng như Sony Ericsson (giờ gọi chung là Sony) hoặc Motorola thì việc can thiệp phần mềm trở thành một thú vui cho những tay nhiếp ảnh di động. Thậm chí Sony Ericsson còn có hẳn những bản mod khá hoành tráng, hỗ trợ và tăng cường các tính năng chuyên nghiệp cho chiếc điện thoại chuyên chụp ảnh như K810i hay C901 (các model này đã cũ rồi).

Sony Ericsson C901, một trong những dòng điện thoại chụp hình tốt của Sony

Giờ đây, các smartphone hiện đại được bổ sung và tăng cường rất nhiều các tính năng hỗ trợ việc chụp hình,  Trong một số trường hợp, nên sử dụng các phần mềm HDR để can thiệp và tăng cường chất lượng ảnh (bắt sáng), nhưng nhìn chung phần lớn vẫn phụ thuộc vào cảm biến ảnh được trang bị ở smartphone hơn là phần mềm.

Bố cục

Có rất nhiều nguyên tắc bố cục, nhưng trong phạm vi một bài viết tổng hợp nhỏ này thì tôi chỉ đề cập tới một nguyên tắc chung, đó là nguyên lý tỉ lệ vàng trong bố cục.

Chụp bằng điện thoại Sony Ericsson C905 (cảm biến 8MP), sử dụng bố cục theo tỷ lệ vàng. Ngoài ra, sử dụng bố cục mở rộng không gian theo hướng nhìn của chủ thể trong ảnh (nhìn về phía phải nên trừ khoảng trống phía phải nhiều hơn).

Nguyên tắc này được áp dụng cho nhiều lĩnh vực, và cũng được áp dụng cho chụp ảnh điện thoại trong hầu hết các trường hợp. Như hình minh họa dưới đây, trong khi chụp hãy cố gắng để chủ thể mà bạn muốn nhấn mạnh trong khuôn hình nằm ở các vị trí được đánh dấu màu xanh. Xem phần minh họa (H1)

Nguyên lý mắt người có thói quen nhìn từ trái sang phải, do vậy bạn nên chụp các bức ảnh thuận chiều, nghĩa là sự đọng lại của bức ảnh nằm ở bên phải, nên đặt điểm nhấn bức ảnh ở 1/3 phía phải (H2)

Tương tự vậy, áp dụng cho bố cục ảnh, nên đặt đường chân trời (là đường phân cách giữa các mảng trong bố cục ảnh) nằm ở vị trí 1/3 hoặc 2/3 bức hình, tùy theo cách mà bạn muốn. Thường đặt bố cục đường chân trời ở vị trí 1/3 bức hình như (H3) sẽ cho lại cảm giác khoáng đạt, vì bố cục chủ thể nằm dồn xuống dưới. Trong khi bố cục chân trời 2/3 mang lại cảm giác nặng nề hơn, vì không gian "trời" bị thu hẹp lại. (H4)

Ngoài ra, các bạn nên sử dụng bố cục dọc cũng theo tỉ lệ 1:3 như (H5) hoặc (H6).

Tránh đặt bố cục hoặc đường chân trời theo 1 trong 2 đường chéo như (M7), cũng tránh đặt đường chân trời hoặc bố cục ở giữa ảnh như (H8) dưới đây.

Trong các bức ảnh chụp chân dung hoặc chụp hoa, người ta thường đặt đối tượng ngay giữa bức ảnh.

 

Chụp bằng điện thoại Sony Ericsson C901

Tuy nhiên, vượt trên tất cả các nguyên tắc, trong một số trường hợp cần phá cách, bức ảnh vẫn sẽ đẹp nếu phạm luật hoặc ko tuân theo quy tắc nào trong số các quy tắc trên.

Thời chụp

Trong nhiếp ảnh bằng điện thoại, có lẽ thời khắc chụp ảnh là quan trọng nhất, gần như là ưu điểm của nhiếp ảnh bằng điện thoại. Bởi khi rút điện thoại ra và bấm máy, tất cả diễn ra rất nhanh, không có sự "dàn xếp" hoặc "gượng ép" trong khuôn hình.

 

Đó cũng là lý do các bức ảnh chia sẻ qua điện thoại lên mạng xã hội trở nên phổ biến và được yêu thích hơn cả. Không đẹp như máy ảnh chuyên nghiệp DSLR nhưng tự nhiên và chân thực hơn.

Chụp ảnh bằng điện thoại nên tận dụng tối đa ưu thế này.

Ánh sáng

Ánh sáng rất quan trọng trong nhiếp ảnh nói chung và nhiếp ảnh di động nói riêng. Do hạn chế về kích thước cảm biến nên việc thu sáng của các camera điện thoại rất yếu, do vậy hạn chế chụp trong điều kiện thiếu sáng, ngược sáng hoặc ban đêm vì dễ nhiễu, quang sai và chất lượng ảnh thấp. Tuy vậy, nếu biết tận dụng và kết hợp thì cũng có thể có ảnh đẹp trong một số trường hợp, nhất là những điện thoại có khả năng phơi sáng 1-2s.

Chụp bằng điện thoại không có flash hoặc chỉ có flash LED trong điều kiện thiếu sáng là một bất lợi

Do đặc điểm cấu tạo, nên phần lớn các điện thoại di động hiện nay chỉ được trang bị đèn LED thay vì sử dụng flash Xeon (tốn pin và chiếm diện tích hơn) hoặc flash rời. Yếu điểm của đèn LED là khả năng trợ sáng yếu, phủ sáng chỉ trong phạm vi hẹp nên không hỗ trợ nhiều khi chụp ban đêm, kể cả dual-LED đi chăng nữa.

May mắn hơn nếu điện thoại của bạn được trang bị flash Xenon (có độ phủ sáng tốt và rộng hơn nhiều) như Nokia N8, Sony Ericsson C905, C901, Nokia N8 và Nokia Lumia 808... Những dòng điện thoại này chuyên về chụp hình nên chất lượng cảm biến lẫn đèn flash được chú trọng hơn, do vậy ảnh chụp cũng tốt hơn. Ngoài ra, thường các dòng này có khả năng nhận diện cự ly để thay đổi iso hoặc độ sáng khi đánh flash Xeon để bức ảnh ít bị cháy sáng khi chụp ở cự ly gần.

Chụp bằng điện thoại Sony Ericsson C905, sử dụng flash Xenon trong điều kiện thiếu sáng

Mẹo nhỏ: Khi bạn chụp trong môi trường thiếu sáng hoặc tối hoàn toàn, có thể sử dụng một đèn LED nhỏ như của Nokia 1202 và dùng mảnh giấy nhỏ bịt ở đầu nguồn để chiếu sáng đối tượng cho đều, sau đó dùng điện thoại chụp gần ở chế độ Macro, hình ảnh sẽ đẹp mà không bị lóa.

Khẩu độ, tốc độ và iso

Đặc điểm phần cứng (nhỏ gọn) của điện thoại hầu như không cho phép thay đổi khẩu độ (thường  f=2.8), trừ một số dòng chuyên dụng và hiện đại hơn. Do vậy, chúng ta không bàn nhiều về điều này. Còn tốc độ  và iso cũng vậy, trừ một số dòng chuyên dụng, patch/mod, hay smartphone cho phép chúng ta điều chỉnh tốc độ/khẩu độ/iso khác nhau một cách thủ công. Theo nguyên tắc, ISO càng cao thì càng thu sáng càng tốt, nhưng độ kiểm soát nhiễu càng yếu.

Hai hình này chụp bằng Motorola ZN5 đêm giao thừa tại Bến Nhà Rồng, TP.HCM. Sử dụng khả năng phơi sáng nhẹ để kiểm soát nhiễu.

Còn tốc độ cửa trập càng nhanh thì bắt sáng càng ít (sử dụng khi chụp flash Xenon ở gần hoặc trong môi trường dư sáng) và càng nhanh thì càng bắt được các đối tượng chuyển động nhanh như giọt nước rơi hay quả bóng sút ra. Nếu cửa trập mở chậm (tốc độ chậm) thì càng thu sáng nhiều (sử dụng để chụp khi thiếu sáng), lúc này các đối tượng di chuyển dễ bị nhòe, lợi dụng điểm này người ta chụp các luồng ánh sáng di chuyển - thực tế là các đèn xe tạo ra vệt sáng khi di chuyển.

Nhìn chung, ở điện thoại các thông số này chưa thực sự hiệu quả như ở các máy ảnh chuyên nghiệp, nhưng vẫn nên tận dụng nếu bạn muốn cải thiện chất lượng ảnh trong những điều kiện chụp cụ thể. Hầu như các tính năng này được điều chỉnh qua mod phần mềm hoặc tích hợp sẵn qua các chế độ chụp (chụp thể thao/chụp ban đêm/chụp chân dung...).

 

 

Chụp bằng điện thoại Sony Ericsson K810i cảm biến 3.2MP, tốc độ 1/60s, sử dụng flash Xenon

Một số dòng điện thoại Cyber-shot của Sony Ericsson có khả năng chụp ảnh ở tốc độ 1/60s hoặc phơi sáng lên tới 2s, tuy nhiên việc tinh chỉnh chỉ đạt được một cách chủ động khi kết hợp với

các bản mod/patch về phần mềm.

Chụp bằng điện thoại Motorola ZN5, cảm biến 5MP, phơi sáng ở tốc độ 1/4s

Focus

Với các dòng điện thoại thông thường, không có phím chụp hình cứng thì chỉ có nhấn một phát là chụp luôn, không có bước lấy nét. Các dòng chuyên chụp hình sẽ có phím cứng và khi nhấn phím chụp hình này ta sẽ cảm nhận được có 2 nác (2 mức nhấn), giữ phím và nhấn nhẹ sẽ lấy nét, nếu chưa lấy được nét ưng ý thì di chuyển cự ly camera (điện thoại) và đối tượng đồng thời nhấp nhấp phím để lấy nét, sau khi lấy nét đúng đối tượng chúng ta nhấn mạnh hơn nữa để chụp.

 

Chụp bằng điện thoại C905, những đối tượng tĩnh và ở vô cực như thế này thì chỉ cần fixed focus cũng đủ.

Chúng ta phân biệt các dạng lấy nét sau:

1 – Fixed focus: Đây là một dạng phổ biến cho các camera điện thoại đời cũ, tiêu cự cố định nên chỉ lấy nét sẵn ở vô cực, nghĩa là làm rõ tối đa mọi đối tượng trong khuôn hình.

2 – Auto focus: Các dòng máy mới hơn hoặc các dòng điện thoại chụp ảnh chuyên dụng thường được trang bị tính năng tự động lấy nét, tính năng này cho phép thay đổi tiêu cự phục vụ việc lấy nét chủ thể tốt hơn, thường thì các camera điện thoại có tính năng auto focus chụp đẹp hơn dòng fix focus, do có khả năng tự động lấy nét.

 

Lấy nét tự động sẽ phát hiện cự ly và vật thể ở gần, sau đó sẽ làm mờ (xóa phông) những đối tượng ở xa dựa trên nguyên lý quang học. Ảnh chụp bằng điện thoại Motorola ZN5.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế (khoảng cách và độ xóa phông) do cảm biến cũng như khẩu độ được trang bị của điện thoại. Thường thì có 3 chế độ cài đặt sẵn là Macro, tự động và vô cực (chụp ảnh phong cảnh), bạn chú ý chọn chế độ chụp thích hợp với bố cục và hoàn cảnh chụp để có bức hình tốt hơn.

3 – Manual focus: Rất hiếm điện thoại hỗ trợ tính năng này, chủ yếu thông qua can thiệp phần mềm ở một số dòng như Sony Ericsson, cụ thể các bản mod dành cho K810i, K850i, C905, C901 của Sony Ericsson đều hỗ trợ lấy nét thủ công (điều chỉnh bằng tay).

 

Bức ảnh này chụp bằng điện thoại Sony Ericsson C901, lấy nét thủ công.

Ưu điểm của cách tiếp cận này là chủ động chọn đối tượng để lấy nét và mức độ lấy nét/xóa phông. Tuy vậy, do bất tiện là điện thoại nhỏ và cầm bằng tay nên khi lấy nét thủ công vẫn dễ bị out nét hoặc nhòe vì hiện tượng run tay.

Xử lý hậu kỳ.

Trước khi đi vào phần hậu kỳ, tôi khuyên bạn nên CHỌN LỌC những bức ảnh tốt nhất (theo tiêu chí mà bạn muốn) trong số các bức ảnh chụp được, rồi mới thực hiện chỉnh sửa. Bởi không phải đưa hết tất cả những bức ảnh chụp của bạn lên mạng hay chia sẻ với mọi người là tốt, vì nhiều hình trong số đó không như ý bạn đâu. Bản thân tôi thường thì trung bình cứ 5-10 tấm thì chỉ chọn được 1-2 tấm để sử dụng và chia sẻ. Do vậy, hãy biết chắt lọc!

Ảnh bên trái đã qua một số xử lý đơn giản (xóa bớt cột điện và điều màu một chút), bên phải là ảnh gốc

Post-production (xử lý hậu kỳ) khá quan trọng trong nhiếp ảnh bằng điện thoại, bởi các yếu điểm của nhiếp ảnh bằng điện thoại rất nhiều, do vậy quá trình này sẽ khắc phục và tăng cường chất lượng hình ảnh ở một mức độ nào đó. Điển hình là crop lại bố cục, thay đổi thang độ và màu sắc/độ tương phản. Tuy nhiên, tốt nhất là khi chụp hãy cố gắng cẩn thận chụp đẹp nhất có thể, hạn chế xử lý hậu kỳ vì nó cũng chỉ giảm được phần nào chứ không thể thay thế kỹ năng chụp.

 

Dưới đây là một vài thủ thuật nhỏ khi xử lý ảnh với công cụ chỉnh sửa ảnh cơ bản như Photoshop:

- Giảm hiện tượng sương mờ bằng cách kéo contrast hoặc curve lên, sử dụng các công cụ biên tập ảnh như Photoshop để thay đổi độ tương phản.

- Tăng màu sắc (điều màu) bằng các công cụ điều chỉnh độ bão hòa (saturation) và cường độ màu (hue/level).

- Thay đổi bố cục ảnh bằng công cụ crop. Dùng công cụ chọn (selection) và Lens Blur (filter/blur/lens blur) để tạo độ sâu cho trường ảnh nếu cần xóa phông "nhân tạo".

- Ở phiên bản CS5 trở lên có công cụ Content-aware rất hữu ích khi kết hợp với công cụ Fill, cho phép nhận diện và lấp đầy khu vực bạn muốn xóa với các mẫu thu được ở khu vực kế cận, hãy tận dụng nó khi cần xóa bớt các đối tượng rườm rà trong hình.

 

Ảnh chụp bằng HTC Wildfire S, cảm biến 5MP, sử dụng chương trình biên tập ảnh Instagram để tạo hiệu ứng.

- Xét về hiệu ứng và tốc độ thì bạn nên sử dụng các phần mềm xử lý ảnh tự động như Instagram trên điện thoại thông minh, các ứng dụng biên tập ảnh đi kèm điện thoại (có nhiều hạn chế) hoặc Fotor trên Windows 8.

Chụp, chụp và chụp!

Dù chụp hình bằng điện thoại hay máy ảnh chuyên nghiệp đi chăng nữa, thì chỉ có trải nghiệm mới thực sự giúp ta thực hành, chắt lọc và rút ra cho mình những kỹ thuật chụp ảnh tốt nhất! Do vậy, trước khi chụp được những bức ảnh này bản thân tác giả đã phải thực hành và chụp rất nhiều (hơn 1000 tấm) và sử dụng nhiều dòng điện thoại khác nhau Nokia N73, Sony Ericsson các dòng K550i-k810i-k850i-C905-C901-U1i, Motorola ZN5,… mới rút ra cho mình được những trải nghiệm cần thiết.

Ảnh chụp bằng điện thoại Motorola ZN5, trong phòng sử dụng ánh sáng nhân tạo, không flash

Tuy nhiên, sự trải nghiệm là không ngừng nghỉ, và chúng ta sẽ tiến bộ mỗi ngày, miễn là bạn có đủ đam mê và sở thích chụp ảnh. Mục đích của việc chụp hình liên tục và thực hành này là biến các trải nghiệm đó thành thói quen và kỹ năng, để bạn sẵn sàng… giơ lên là chụp và chụp đẹp.

Dưới đây là một số ảnh tôi chụp bằng điện thoại Motorola ZN5, BlackBerry Z10, Sony Ericsson K810i và C901 ở các điều kiện khác nhau, bức đầu tiên sử dụng lens tự chế:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hy vọng những chia sẻ trên đây của https://dienthoaididongco.com/ sẽ hữu ích với bạn.

Write by https://dienthoaididongco.com/


------o0o-----

ĐIỆN THOẠI  – ĐIỆN MÁY – BẾP GAZ

NOKIA CỔ

Trụ sở cty: Số 1317, Đường Nguyễn Cữu Phú, xã Tân Kiên
huyện Bình Chánh Tp Hcm

ĐT: 02
8-3877.0748 – 0913.913.339 - 0923.913.339

0933.913.339 - 0963.913.339 – 0995.913.339 

http://dienthoaididongco.com/

​Email: dtdidongco@gmail.com

(điện thoại di động cổ)

QUÍ KHÁCH CÓ THỂ THANH TOÁN QUA NGÂN HÀNG

 
VIETCOMBANK BÌNH TÂY: 025.100.103.4729
TECHCOMBANK: 1903.7050.349014
VIETTINBANK : 711A.94258.064
BIDV CHỢ LỚN: 1411.0000.343.003
MB BANK: 0000.1111.22252

 

MST: 0302.782.850

GỌI NGAY CHO CHÚNG TÔI
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN LỰA CHỌN ĐIỆN THOẠI PHÙ HỢP VỚI BẠN HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ
 
 

 

Tags : Nokia 6600i

(*) Xem thêm

Bình luận